Monday, July 1, 2013

Someone asked me What HR career is?

Cũng thật lòng xin lỗi mọi người khi viết một bài mở màn với cái tiêu đề bằng tiếng Anh. Tuy nhiên bởi vì mình cảm thấy đặt một cái tên tiếng Việt chẳng hạn như Nghề HR là gì? thì nó có vẻ hơi lẫn lộn Anh Việt một chút và cũng không tạo được sự khác biệt. Do vậy mình muốn "treo cái bảng hiệu" đầu tiên của blog nổi nổi cho mọi người dễ nhận ra.
Tính cho đến nay là khoảng hơn 1 năm mình biết về nghề Nhân sự, có thể là hơi ngắn để gọi là gắn bó, nhưng cũng đủ dài để mình xác định đó là đam mê.
Với mình thì nghề Nhân sự cũng có thể nói là đơn giản để cho bất kỳ ai muốn bước vào, cụ tỉ là mình-một sinh viên Luật và giờ đang sống bằng nghề Nhân sự, nhưng cũng cực kỳ khó cho những ai đã bước vào.


Nghề Nhân sự là công việc giấy tờ
Không ai phủ nhận điều đó, bạn tính lương chỉ cần dựa vào hệ số lương, bậc lương, ngày công, ngày phép, lương cơ bản mà cộng trừ nhân chia nó ra, bạn làm bảo hiểm chỉ cần xem cái đó thuộc phiếu giao nhận số mấy và làm theo đúng như thế, bạn tuyển dụng chỉ cần đăng cái tin lên mạng là hồ sơ ào ào gởi về-người ta thất nghiệp nhiều mà....Anh A muốn xin nghỉ phép, anh vui lòng lên phòng Nhân sự lấy mẫu đơn điền vào, chị B là nhân viên mới, chị ghi giùm em thông tin theo mẫu thông tin nhân viên ở phòng Nhân sự, danh sách nhân viên, bảng chấm công, danh sách đóng bảo hiểm, biểu mẫu xyz...Nhân viên Nhân sự ngập đầu trong biểu mẫu giấy tờ. Mình công nhận nó chính xác là như vậy. Công ty mình cải thiện bằng cách tất cả nhập vào máy tính, hạn chế văn bản giấy trong phòng, nhưng xét cho cũng thì biểu mẫu vẫn là biểu mẫu, có lưu trong máy tính hay in ra cũng không khác đi là mấy. Do vậy, khi xây dựng chỉ số năng lực bản thân, nếu bạn thấy mình không thể làm việc với giấy tờ, tốt nhất đừng thử sức với nghề Nhân sự. 

Nghề Nhân sự là công việc trừu tượng
Mình chắc chắn hiếm có ai nhắc đến ý này khi định nghĩa về nghề Nhân sự, bởi vì nó trừu tượng quá thì ai mà dám đề cập vào. Nếu bạn đã từng làm Nhân sự thì chắc chắn bạn có thể sẽ phải đánh giá năng lực làm việc của nhân viên, nếu là nhân viên kinh doanh bạn có thể dựa vào doanh số, nhân viên kế toán bạn có thể dựa vào độ chính xác của số liệu...nhưng chẳng hạn với nhân viên Nhân sự bạn dựa vào điều gì ? -mức độ hoàn thành công việc, ừ cũng có khả năng, nhưng như thế là chưa đủ. Mình đau đầu với những bài báo cáo đánh giá năng lực, năng lực nó là điều gì đó không thể cân đo đong đếm được, nói chung nó không thể định lượng. 
Bạn làm Nhân sự có thể bạn sẽ phải tham gia xây dựng văn hóa công ty, định hướng và theo dõi sự phù hợp của nhân viên với văn hóa đó. Nhưng văn hóa doanh nghiệp nó cụ thể là cái gì, có rất nhiều định nghĩa, nhưng chắc chắn không cái này là chính xác hoàn toàn. Bạn có thể cho một vài ví dụ về văn hóa doanh nghiệp (nào là phong cách làm việc của nhân viên, thương hiệu, sản phẩm đặc trưng...) nhưng liệu có đủ cho từ văn hóa. Bởi vậy, mình nói trừu tượng vô cùng.
Nhân viên Nhân sự quan sát mức độ hài lòng với công việc của nhân viên, quan sát thấu hiểu tâm lý mọi người, cân bằng các mối quan hệ...Hàng loạt những điều trừu tượng, bạn chỉ có thể làm tốt khi trải nghiệm nhiều và bản thân phải tự học hỏi mỗi ngày.

Nghề Nhân sự là nghề "Làm dâu trăm họ"
Cái cụm từ này là mình copy từ đâu đó mà mình đã đọc được, và nó thực sự là như vậy. Nhân sự có cái khó của nhân sự, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó. Mọi người trong công ty ít có ai nhận ra được điều quan trọng mà nhân viên Nhân sự mang lại, nên đôi khi lại cứ hay phàn nàn - sao phòng Nhân sự không làm cái này? - sao phòng Nhân sự không làm cái kia? - Nhân sự sao kỳ thế? - Chị lên hỏi phòng Nhân sự ấy...Đôi khi mình cảm giác, tất tần tật mọi chuyện mọi người đều đề cập tới phòng Nhân sự. Phòng Nhân sự dường như có quyền quyết định nhiều chuyện quan trọng, nhưng đôi khi lại chẳng thể làm được cái gì cả. Công ty là một tổng thể, thì mỗi nhân viên lại mang một tính cách khác nhau, một ý niệm khác nhau, một định hướng giá trị khác nhau và phòng nhân sự phải "làm dâu" cho "trăm họ" hoàn toàn khác nhau ấy. Đôi khi quyết định một việc được lòng người này, lại mất lòng người kia. Bởi thế, bước vào nghề Nhân sự đòi hỏi chúng ta phải có trái tim âm ấm và cái đầu lành lạnh, phải biết lắng nghe và cũng phải giữ chính kiến của mình. 

Nghề Nhân sự là nghề của áp lực
Nó không áp lực như bác sĩ lần đầu cầm dao mổ, nó không áp lực như anh công nhân trong hầm khoáng sản, không bị doanh số đè như nhân viên kinh doanh...Nhưng nghề Nhân sự có nhiều cái áp lực to đùng mà chỉ ai bước vào nghề mới biết. Đó là đôi khi chúng ta bị các biểu mẫu chiếm hết cả thời gian, là khi chúng ta bị những công việc trừu tượng làm cho nhức đầu, hoặc đôi khi chúng ta phải nén cái tôi của mình xuống để nghe, để cảm và để hiểu được mọi người. Mình vẫn thấy áp lực khi công việc đang cần mà lại không thể tuyển thêm được nhân viên đơn giản vì công ty muốn cắt giảm chi phí vì vậy phải tự tuyển dụng bằng cách thủ công thông qua các trang web miễn phí. Mình vẫn thấy áp lực khi nhân viên thỉnh thoảng lại trở thành con ngựa bất kham đi trể về sớm, công việc trể nãi, mặc cho Nhân sự có nhắc nhở thế nào. Mình vẫn thấy áp lực khi tìm cách làm sao vừa đủ mềm mỏng vừa đủ cứng rắn để đưa những con ngựa bất kham đó trở về như cũ. Mình vẫn thấy áp lực khi ra thông báo theo ý sếp lại không được ý nhân viên và mọi người thực hiện miễn cưỡng. Mình vẫn thấy áp lực khi muốn tổ chức điều gì đó gắn kết mọi người, nhưng mọi người cho đó là sến là chuối là mất thời gian...Có thể trong suy nghĩ của bạn thì điều đó chẳng có gì gọi là áp lực. Mình không phản đối, có thể trong năng lực người này nó dễ dàng nhưng trong năng lực người khác nó khó khăn, có điều mình thấy dễ dàng bạn lại thấy áp lực - điều đó không có gì lạ. 

Nghề Nhân sự là nghề của niềm vui và hạnh phúc
Mình hạnh phúc khi mang đến cơ hội việc làm cho người đang cần việc. Mình hạnh phúc khi là hậu phương chăm sóc đời sống nhân viên công ty. Mình vui khi nhìn thấy niềm vui trong mắt mọi người khi phòng Nhân sự tổ chức sinh nhật hay một buổi đi chơi. Mình vui vì phòng Nhân sự là nơi mọi người tìm đến khi gặp bất kỳ vấn đề gì trong công việc. Và có ti tỉ niềm vui khác không thể kể hết được.

Nói tóm là Nghề Nhân sự là nghề "Một người của mọi người"
Chuyển qua lý thuyết một chút: Nghề Nhân sự có ba chức năng:
- Tuyển dụng 
- Đào tạo và phát triển
- Lương và phúc lợi.
Cái này cho những ai muốn có cái nhìn tổng quát về nghề Nhân sự
Mình viết bài này không hề có sự tham khảo bất kỳ bài viết nào khác, đơn giản chỉ vì mình muốn viết với những gì mình biết được và không muốn có sự sao chép. Hi vọng mọi người sẽ góp ý thêm để bài viết được hoàn thiện hơn. Cảm ơn mọi người.

No comments:

Post a Comment